Ba ngày Tết của ông lão bán xăng
- Details
- Created on Thursday, 21 February 2013 02:10
- Category: Văn nghệ

Bức
tranh người giàu đón Tết trong hoa tươi, pháo nổ, rượu nồng và mỹ vị,
với nguồn vui, âm nhạc tràn ngập trong nhà ngoài ngõ đã trở nên quá quen
thuộc. Còn người nghèo đón Tết ra sao? Cái Tết của người nghèo thì muôn
vẻ khác nhau nhưng ở thời nào cũng thế, và ở đâu cũng thế, đều ảm đạm,
đạm bạc và đơn sơ như ba ngày Tết của ông lão bán săng qua ngòi bút của
một nhà văn tiền chiến: Ngọc Giao. Theo phong tục cũ, cho dù nghèo, cho
dù số phận hẩm hiu, bạc bẽo đến đâu, thì như thi gia Tú Xương đã nói: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”, người bình dân vẫn giữ tập tục thuần lương cố tìm cho ra không nhiều thí ít: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và đi lễ đình, lễ chùa cầu may mắn trong dịp tân niên. Cảnh cha con lão Cù trong truyện của Ngọc Giao là
bức tranh Tết có màu sắc giản dị, ảm đạm và thê lương khác hẳn với màu
xuân ồn ào, tươi thắm. Ảm đạm trước cảnh nghèo, trước sự cô đơn, tủi
thân tủi phận trước thế nhân chỉ biết trọng phú khinh bần nên kẻ xem
tranh khó tránh được tiếng thở dài.
Truyện ngắn Ba ngày Tết của ông lão bán xăng của Ngọc Giao in lần đầu trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy số 403 năm 1942. Qua truyện này, người đọc sẽ thấy ngòi bút tài hoa của Ngọc Giao nặng về tình cảm, có chút hoài nghi và bi quan và với chút phong vị lãng mạn của một kẻ để lòng gợi giấc mơ xưa.
“Thôi
thế là xong! Lão Cù đập một nhát búa cuối cùng vào cái mộng gỗ cho kẽ
ván quan tài khít vào nhau. Lão xoa tay cho bụi mạt cưa bay đi chứ không
thèm rửa, rồi quay lại bảo thằng bé con đang lúi húi quét vỏ bào dồn
vào góc bếp:
-
Tôm, con chạy mau lên hàng bà Chánh bảo bà bán cho gạo nếp, đậu xanh để
về gói bánh. Con lại ghé vào chợ lấy hai chai rượu ở hàng cô Lý nữa,
nhớ không?
Tôm
là một thằng bé gầy gò, được cái nhanh như con chuột nhắt. Nó bị câm.
Trước kia vợ lão Cù nhặt được cái hoang thai ấy ở đằng sau chùa làng. Vợ
chồng lấy làm lạ, vì cả làng không có ai chửa hoang. Có hai người góa
chồng thì cả hai đều tái giá rồi.
- Thế thì tất ai ở đâu xa đem đến vứt vào cửa Phật, ông mày ạ.
Lão Cù nhìn vợ, tợp một chén rượu, cười lớn:
- Hay là con của sư bà đấy chăng! Độ này sư bà chăm đi quyên giáo lắm!
Người vợ phát cháy lưng chồng, mắng:
- Phải gió, cái lão này! Tai vách mạch rừng, nhà chùa biết thì bỏ xác.
Hai
vợ chồng thực thà, có ý định đánh tiếng cho nhiều người biết, để nghe
ngóng xem có ai đến nhận thì cũng xin trả lại. Nhưng sau đó một hai năm,
thằng bé cứ lớn lên, biết bò, biết đi mà không biết nói, cũng chẳng ai
đến nhận nó cả.
Thấy
con câm, lão Cù buồn càng uống rượu. Riêng người vợ thì cam vui mà nhận
cái ơn Trời Phật ban cho. Vợ chồng lấy nhau từ thuở tóc xanh, đến ngày
cả hai mái tóc đã ngà ngà hoa râm vẫn chẳng sinh nở được lấy một lần.
-
Thôi thầy nó ạ, phiền muộn làm gì. Miễn là có được một đứa con bên
mình, trước vui cửa vui nhà, sau này mình già, khi nhắm mắt cũng có một
cây gậy chống đưa mình ra bãi tha ma. Chả hơn là đôi vợ chồng trơ trọi
hả ông?
Lão Cù cũng đành nguôi sầu não. Lão bớt rượu đi, lại chăm làm như trước.
Những
hồi đắt hàng, lão hì hục làm cả ban đêm. Hai vợ chồng cố đẩy cưa, xẻ
gỗ. Chồng bào, vợ đục, cái nóng ngày hè bốc lên như hơi than lửa dưới
mái nhà gianh lụp xụp, hai vợ chồng lau mồ hôi nhìn nhau một cách nhọc
mệt rồi lại bào, lại đục.
Túp
lều gianh ấy ở cách biệt bên đường cái quan. Vợ chồng lão không có một
tấc đất trong làng, xin ở nhờ không ai nhận, vả ai người ta dám chứa cái
nghề của lão, cái nghề làm săng buôn xác chết.
Cho
nên hai vợ chồng khó khăn lắm mới xin phép bọn hào lý trong làng để ra
ngoài cánh đồng, dựng cái mái gianh kia bên con đường cái quan chạy xa
tắp đến chân trời. Con đường xuyên từ làng này sang làng nọ, chạy men
theo cả đường xe lửa, nhờ vậy mà luôn luôn có kẻ qua người lại. Họ qua
đấy để đến các chợ, đến nhà ga. Lão Cù chợt nghĩ ra một mối lợi, lão
định mở thêm một quán hàng nước, hàng quà cho vợ bán. Nhưng ý định ấy
vừa bàn bạc xong thì người vợ chết.
Kể
sao hết cái cảm tình của lão trong cái đêm lão vừa canh xác vợ vừa tự
tay mình đóng cỗ quan tài để bỏ vợ và đem chôn. Mỗi một nhát bào đưa đi,
lão lại ngừng tay nhìn trừng trừng vào thớ gỗ trắng, tưởng đến lúc thịt
da người vợ sẽ thấm vào dưới lòng đất lạnh. Mỗi một nhát búa đập thình
thịch vào mảnh ván lão tưởng như đập vào những mẩu xương của vợ mình.
Chôn
cất vợ xong, lão Cù lại chán đời lại uống rượu. Rượu say lão hát nghêu
ngao một mình giữa cánh đồng mênh mông. Gió và lúa reo bên chân lão.
Nước con sông đào Nguyệt đức thờ ơ trôi không cùng.
Thằng
con câm cũng đã lớn lên. Thấm thoát Tôm đã mười hai tuổi. Nó gày gò
nhưng không bao giờ ốm. Phơi nắng cả ngày, tóc nó đỏ như râu ngô, da
thịt quắt đi như con cá muối. Cả ngày hai cha con chẳng nói với nhau một
lời. Bố, rượu say lầm lì như những cỗ quan tài nằm đợi khách. Con thì
chiều chiều chờ bố cơm rượu xong ngồi hát dăm ba câu dưới gốc cây, để
lại vác cái vó ra bờ sông ngồi đợi cá. Được cá nó ú ớ reo lên. Người bố
nhìn con bằng đôi mắt tội nghiệp. Bữa rượu ấy người bố lại say và càng
thấy thương người con tàn tật hơn. Cuộc đời tẻ nhạt của cha con lão hàng
săng dầu dãi cùng năm tháng giữa cánh đồng như vậy, như hai lá cỏ khô
hèn mọn.
Tết
đến, ai mà không đón Tết. Lão Cù chớp đôi mắt lèm nhèm nhìn hút theo
thằng Tôm lẩn vào những con đường ruộng, lão chặc lưỡi lầm bẩm:
- Ấy quên không dặn nó mua cái chân giò cúng mẹ nó.
Lão
cúi xuống, chống cao cái liếp cho sáng. Lão khuân những chiếc quan tài
xếp lên nhau cho gọn ghẽ, rồi lấy chiếc chiếu phủ kín.
- Tết nhất, họa có ai ra vào đây chăng! Bày sờ sờ những của này ra, người ta cho là gớm ghiếc.
Lão
Cù nói một mình, dọn dẹp một mình, làm ra bận bịu. Mặt lão đỡ cau có,
thỉnh thoảng cái miệng lão nhích cười trong bộ râu kín, rậm. Lão dán mấy
cái tranh con mèo, con lợn, đây là phần Tết của thằng Tôm. Còn mấy mảnh
giấy hồng điều, dài lê thê viết chữ Nho, thì phần lão. Lão đứng ngâm
nga, chữ đọc được, chữ không đọc được. Nhưng lão cũng cứ gật gù, khen
hay, phục thầy khóa ngồi bán chữ ở chợ Câu Nôm là giỏi.
Thầy
khóa là bạn thân của lão. Dạy học, học trò chán chữ, chán thầy, thầy
đành xoay sang nghề đi cúng. Lão Cù đã mời thầy khóa đến cúng ngày tứ
cửu của bà Cù. Lão nghe thầy khóa kể cảnh đời gian nan mà thương xót.
Lão vỗ vai thầy khóa mà hẹn rằng:
-
Tôi cũng nghèo như thầy! Thôi ta chỉ còn cách này có thể giúp nhau: bao
giờ mẹ già của thầy trăm tuổi, tôi xin phúng cụ cỗ áo quan tốt.
Thầy khóa cảm động, đã khóc trên chén rượu bữa ấy được lão Cù gọi vào hàng mời uống nhạt với ngô rang.
Hôm nay ngày tất niên, thầy khóa làm đôi câu đối tặng lão. Lạo Cù dán lên vách nhà chơi Tết.
Lão đang ngâm nga thì thằng Tôm về, đầu đội thúng gạo, đỗ, bó lá dong hai chai rượu và cái thủ lợn máu đỏ ròng ròng.
Thế
là cả đêm ba mươi, hai cha con lão Cù ngồi canh nồi bánh chưng trong
bếp. Thằng Tôm đến canh ba không gượng được nữa, lấy mớ rơm trải ra đất,
nằm cuộn tròn dưới chân bố ngáy khò khó. Lão Cù ngồi không nhúc nhích.
Lão lắng nghe tiếng pháo giao thừa đốt bên kia sông, ở các làng xa xa.
* * *
Ngày
mồng một Tết, lão Cù khăn gói chỉnh tề, thằng Tôm thì được mặc cái áo
the vá đụp, cái quần chúc bâu mới kêu loạt soạt, hai cha con mang vàng
hương vào trong làng lễ đình.
Đến
cổng cái lớn, Tôm kéo áo cha đứng lại. Khốn khổ! Cả năm cha con nhà nó
có vào làng làm gì đâu tuy rằng vẫn đóng góp như mọi người. Ai cũng có ý
gớm bộ mặt cha con nó. Người ta chỉ buộc lòng gặp lão, vào nhà lão lúc
nào cần mua cỗ áo quan. Khi không ai lại dại dột vào nhà hàng săng.
Huống hồ là ngày đầu năm mới. Gặp lão người ta biết tránh đi đâu, mà
chúc lão một câu lấy lệ thì còn gì ghê rợn bằng câu: “Năm mới chúc cụ
buôn may bán đắt, phát tài!” Lão biết vậy nên từ xưa tới nay, ngày Tết
không ai ra nhà lão. Cha con lão cũng không muốn gặp ai, không dám vào
nhà ai.
Thằng Tôm nhìn bố ú ở ra hiệu. Nó như muốn nói rằng:
- Bố ơi, đi lối sau đình hơn bố ạ. Như thế chẳng ai trông thấy bố con mình.
Lão
Cù nhìn con chép miệng. Lão cho là phải, bèn lủi thủi đi quành ra đường
khác. Đến sau đình, thằng Tôm nhanh nhẹn xé cái lỗ hàng rào thủng do
chó làng vẫn chui qua đó ra đồng. Nó xé cái lỗ to ra, chui vào trước,
rồi đứng bên trong, nó dắt bố vào theo.
Còn
sớm chưa có ai ra lễ. Phải đợi một lúc ông Từ mới ra. Lão Cù to tiếng
lễ phép chúc tuổi ông Từ. Ông Từ rút mảnh khăn vải đỏ ở vai lau râu, khẽ
gật đầu nhạt nhẽo. Lão Cù bước đến gần, đưa cao cái khay vàng hương
lên, trong đó đã đặt sẵn mấy đồng hào kền mới trắng nõn:
- Năm mới gọi là có lá vàng thẻ hương ra lễ Thánh. Lòng thành lại xin có chút quà mừng tuổi cụ.
Ông Từ đổi nét mặt vui vẻ, từ chối lấy lệ vài câu, bỏ tiền vào túi, mở khóa cửa đình, thỉnh mấy tiếng chuông.
Lễ
thánh xong, lão Cù hoan hỉ vái ông Từ. Cha con lão lại chui ra lỗ rào
thủng sau đình. Về nhà lão ngồi uống rượu. Thằng Tôm cũng được bố rót
cho một chén. Rượu nồng lần đầu uống đã ngấm say, mặt thằng bé đỏ gay.
Bưng nồi cơm ở bếp lên, nó lao đao ngã đè lên nồi cơm, kêu inh ỏi như
con lợn bị chọc tiết.
Lão Cù vuốt râu, cười khà khà.
- Con ơi, khốn khổ thân con, giá còn mẹ mày thì cha con mình đâu đến nỗi vất vả thế này.
Mắt lão lấp lánh ướt trong tiếng cười khô héo. Chén rượu run ở trên tay, lão khóc, ôm đầu Tôm vào cánh tay gầy mà khóc.
Ngày mồng hai, mồng ba Tết với thiên hạ vui với hoa cười, pháo nổ.
Túp lều gianh heo hút của lão già bán săng không có hoa, có pháo, chỉ có gió mưa lùa vào, buồn như quán chợ hoang.
Lão
Cù ngồi lầm lì suốt ba ngày xuân, không nhúc nhích vò rượu vơi ủ trong
lòng. Tôm thì ngồi co ro bên con sông, con sông đào nước lạnh chảy thờ
ơ”.
(Ngọc Giao -Tiểu thuyết thứ bảy 1942)
No comments:
Post a Comment