PAPA TÒA BÁO
TRẦN KHÁNH
TRIỆU
Ông Trần Khánh Triệu là con đẻ của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), và là con nuôi của nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư). Nhất Linh, bạn thân của Khái Hưng, con cái đầy đàn, trong khi ông bà Khái Hưng hiếm muộn, nên cho Khái Hưng con mình là Nguyễn Tường Triệu để làm con nuôi từ lúc còn nhỏ.Bài sau đây của ông Nguyễn Tường Triệu đã đăng ở báo Thế Kỷ 21 số tưởng niệm Khái Hưng, tháng 12 năm 1997. Vì quan hệ thân thiết giữa hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng, chúng tôi in lại bài viết trong tập sách này đểtái hiện tình bạn của hai người, mà sợi giây nối kết cụ thể là ông Nguyễn Tường Triệu, “người con chung”của hai nhà văn. - Diễn Đàn Thế Kỷ.
Mây vần lồng lộng một trời
Dáng xưa hiu hắt... tháng ngày phôi
pha.
Nào hãy thử nhắm mắt lại thả hồn trôi về dĩ vãng... tưởng tượng vào một
ngày xa xưa nào đó ta trở về Hà Nội, cái thành phố đầy ắp kỷ niệm thời tiền
chiến mơ màng trong ký ức.
Rồi hãy tưởng tượng tiếp
ngày nào đó, ta được về tới vùng mây trời quê hương lãng đãng... Hải Phòng rồi
Hải Dương... con đường số 5 hai bên ruộng lúa ngút ngàn... Cẩm Giàng rồi Gia Lâm
và kia, cây cầu Paul Doumert vắt ngang sông Hồng phù sa cuồn cuộn. Lẩn khuất
trong sương từ Yên Phụ... cột đồng hồ... tới tận bảo tàng, phàđen... Hà Nội đó,
nơi ngàn năm văn vật đất Thăng Long.
Rời khỏi bờ sông lộng gió,
dốc Hàng Đậu thoai thoải... tòa nhà tròn chứa nước ba từng bằng đá xám bề
thếchắn ngang, con đường tầu điện từ chợ Đồng Xuân qua ngã tư Hàng Than rẽ về
phía Quan Thánh rợp lá bàng xanh... Vườn hoa Hàng Đậu, bên kia là phố Carnot,
thành lính tây bát ngát, bên này đường, gần phía nhà thương khách... phòng trồng
răng Đông Nam Mỹ rồi tiếp đó... dancing Rialtoz đêm đêm tiếng nhạc rập rình,
hiệu Phúc Hưng Lâu với món phở sào dòn ăn miếng nhớ đời... kếbên, hãng chè tàu
Phúc Kiến và quá chút nữa góc Hàng Bún. Quan Thánh... Đây rồi! Ngay đối diện với
hiệu thực phẩm Hạp Ký của người Tàu là căn nhà số 80. Vâng... căn nhà 80 Quan
Thánh mà tôi đã sống cùng cha mẹnuôi tôi cả một thời thơ ấu với bao buồn vui
kỷniệm. Nơi đây, cha nuôi tôi, nhà văn Khái Hưng đã sống,đã viết bao nhiêu tác
phảm để đời trong khoảng thời gian 1934, 1935 tới năm 1946 nghĩa là cách đây đã
hơn 50 năm rồi!
Tòa báo:
80 Avenue du Grand Bouddha
Tòa báo có hai mặt, mặt
chính trông ra phố Quan Thánh, hồi trước 45 có cái tên tây là Avenue du Grand
Bouddha, mặt kia số 55 quay về phía Hàng Bún tức Rue des Vermicelles, nhà này
nguyên của một bà đầm cho papa tôi thuê (ấy theo thói quen tôi vẫn thưa với cha
nuôi tôi là papa hay rõ hơn“papa tòa báo” để phân biệt với cha đẻ tôi — ông cụ ở
Hàng Bè nên tôi vẫn dùng những chữ “cậu Hàng Bè” cho tiện).
Mặt trông ra phía Quan
Thánh bước vào là một cái cổng nhỏ,hàng rào thấp, có cây leo rậm rạp quanh năm.
Mặt phía Hàng Bún, cổng sắt hai cánh rộng hơn, xe ô tô đi lọt, vườn hoa bao bọc
xanh tốt bốn mùa. Những luống hồng nhung mọc giữa dãy cỏ tóc tiên mượt mà, vài
cây phượng trổ hoa đỏ rực, cây lá móng ngựa hoa màu lam dịu, lại có cả một bụi
tre già cao chót vót, những ngày gió mạnh lá cọ vào nhau nghe cọt kẹt. Dưới vòm
tre xanh tốt một bàn ping pong được kê ngay ngắn, lâu lâu papa lại đưa bạn bè
xuống đánh vài ván, tiếng bóng nhựa nảy trên bàn ròn rã. Những buổi trưa hè oi ả
sau bữa ăn trưa papa thường nằm trên ghế xích đu hút píp, me ngồi thêu áo kế
bên, tôi thì khoái nhất được leo lên cây ngâu già gần đó, thò tay chộp đuôi con
mèo xiêm đang nằm lim dim suy tư nghiền ngẫm trên cành.
Từvườn bước lên năm sáu bậc
thềm vào nhà, hàng hiên trước khá rộng... phòng lớn đặt máy in cùng chỗ sắp chữ,
phòng bên phải nhỏ hơn nơi làm việc của ban trịsự tờ Ngày Nay, nhà xuất bản Đời
Nay và sau này là tờViệt Nam cơ quan tranh đấu của Việt Nam Quốc Dân
Đảng.
Đi lên gác, hàng hiên lát
gạch men tàu ngăn chia bên này là dãy buồng kho, nhà tắm... bên kia phòng lớn
quét vôi màu xanh lơ thoáng mát. Phòng bên trái trông ra bụi tre được ngăn đôi:
Buồng ăn và buồng ngủ của riêng gia đình tôi. Phòng giữa nơi làm việc của Papa
và tòa soạn kê hai bàn lớn đâu vào nhau, đầu bàn được khắc dấu hiệu Tự Lực văn
đoàn, trên tường treo mấy bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh của họa sĩ Trần Bình
Lộc và Nguyễn Gia Trí.
Phía bên phải là phòng
khách kê một bộ salon nhỏ, một bàn làm việc, còn cái tủ sách lớn sát tường thì
xếp toàn sách quí của nhà xuất bản Đời Nay, bìa da chữ mạvàng óng
ánh.
Đứng bên cửa sổ nhìn ra
phía Hàng Bún, hàng cây bàng xanh ngắt, xế một chút gần nhà bác sĩ Hào, những
con tàuđiện từ Bưởi xuống hay từ Bạch Mai lên dừng đón khách ở ngã tư Quan Thánh
lại dóng lên vài tiếng leng keng uể oải chậm chạp. Từng đợt ve sầu kêu ran, lan
man đâu từ phía vườn hoa Hàng Đậu ùa tới rồi tản mát xuống tít mãi cuối phố khúc
gần cửa Bắc, xa dần rồi mất hẳn. Những lúc ấy tôi cảm thấy thời gian sao dài
quá! Cứ cái ngữ này không biết bao giờ mới tớiđược bữa cơm chiều
đây!
“Papa tòa báo” viết văn
Mỗi buổi sáng khi thức
giấc, trong cái cơn ngái ngủ mơ màng tôi đã cảm thấy bao trùm một mùi cà phê
thơm dịu. Papa đang ngồi đọc sách, chốc chốc lại nhấc tách lên nhắp một ngụm,
khói thuốc méliaquyện tỏa khắp phòng. Cái đèn cồn đun nước kêu sè sè đưa
ra một vòng lửa xanh lam, lâu lâu papa đứng lên xoay chặt lại cái phin rồi đổ
thêm nước sôi. Tôi trởdậy kéo ghế ngồi cạnh, tẩn mẩn nhìn từng giọt cà phê tí
tách rơi xuống. Papa từ tốn dở từng trang sách chữ Hán nhỏ li ti vừa đọc vừa gật
gù thỉnh thoảng lại cầm kính lúp lên soi. Đôi khi ông cụ còn mải miết chơi ô chữ
trong tờ báo La Volonté Indochinoisexuất bản ở Hà Nội thời đó. Khi tìm
được chữ nàođắc ý papa xoa nhẹ lên đầu tôi, ca se sẽ một bài hát quen thuộc của
đoàn Ánh Sáng... “Rồi đây anh em chúng ta cùng nhau kết
đoàn...”
Sauđó là bữa điểm tâm,
thường thường trên mâm chỉ có cháo hoa với đường cát vàng hoặc cơm nắm muối
vừng, hôm nào sang mới có xôi lúa mua của bà hàng quen. Bánh cuốn hay phở, những
món sao mà ngon thế, thì buồn thay... năm thì mười họa chỉ khi nào có khách mới
được bưng lên. Hồi ấy gia đình tôi cũng không được dư giảcho lắm, bữa ăn sáng
thường đạm bạc như vậy. Nghe me kể lại lương nhà báo của papa ít lắm may bà
ngoại có cho me ít ruộng ở vùng Quế Phương, Hải Hậu nên nhờvào đó mới đủ chi
dùng. Ông nội tôi tuy làm quan nhưng khi ông mất tài sản tứ tán đi cả, papa cũng
chẳng được hưởng gì.
Còn nhớ khi viết xong cuốn
sách hồng, hình như “Cái ấmđất” thì phải, tiền bản quyền chỉ đủ mua một cái áo
đi mưa cho papa ở Hàng Đào và một đôi giày Bata cho tôi. À quên, tôi còn được
cây súng lục Euraka, bằngđạn đũa dài đầu bịt cao su, bách phát bách trúng... ghê
chưa?
Khoảng những năm 44, 45, vì
tiền nhuận bút sách báo thiếu hụt, me có chung với cô em mở một hiệu tạp hóa nhỏ
ở Hàng Trống, cửa hàng thuê của nhà in Thụy Ký. Tuy vậy, đôi khi tôi tới chơi
thấy vắng khách, me ngồi sau quầy tưlự thở dài... “Hàng họ lúc này khó khăn
quá!”
Rồi khi mặt trời đã lên
cao, ánh nắng chiếu vào nhà, papađứng lên vươn vai sang phòng làm việc. Trong
cái không khí vắng lặng êm ả, papa say sưa viết trên những trang giấy trắng rời
không kẻ hàng bằng cây bút máy waterman ngòi vàng mềm mại, nét chữ đứng ngay
ngắn rõ ràng. Có lúc viết xong một đoạn bỗng ngừng lại, papa nhăn mặt nhìn lên
trần, tay gõ nhịp lên bàn, sau đó thế nào trên giấy cũng có thêm những hình
loằng ngoằng như xoắn ốc kéo dài mãi ra. Đôi khi con mèo xiêm lách cửa đi vào
nhảy tót lên bàn nằm chình ình một đống, tự nhiên nhưkhông... papa lấy tay khẽ
vuốt ve, nưng niu con vật, miệng se sẽ hát câu chèo quen thuộc “Đất ngài đây...
thanh lịch... đất có hữu tình...”
Chiều và tối thì phòng giữa
nhộn nhịp hẳn lên, khói thuốc tỏa lan khắp nơi. Bác Thế Lữ lúc nào cũng ngồi đối
diện với papa, người hao hao gầy, đôi mắt sắc sảo, dáng điệu trông lúc nào cũng
đầy vẻ bí mật. Có lần tôi thấy bác lấy trong túi ra một khẩu súng lục rất xinh
đặt ngay trước mặt rồi chăm chú viết, đôi lúc lại gật gù nhìn khẩu súng. Sợ nhất
là có lần bác mang về một cái sọ người, không biết thật hay giả,đặt ngay trên
thành lò sưởi, nhe răng cười với hai lỗmắt sâu thăm thẳm ghê hồn! Chú Hoàng Đạo
và “cậu Hàng Bè” của tôi thì làm việc bên phòng khách có khi tới khuya cũng chưa
ra về. Hai người lúc nghỉ ngơi thường bày cờ ra đánh, mỗi lần chiếu tướng chú
lạiđập mạnh quân cờ cười ha hả. Papa lâu lâu cũng tới góp nước, hoặc mở đàn tam
thập lục ra dạo một bản, tiếng trong trẻo rộn ràng.
Những ngày tòa soạn làm
việc như vậy tôi thích nhất được xem chú Gia Trí vẽ tranh. Chấm mực đen chú vẽ
Lý Toét rất gọn, rất ngon lành, hình Xã Xệ chỉ đưa vài nét là xong, bao giờ cái
tóc xoắn như lò so của ông Xã cũngđược vẽ sau chót. Có một dạo bác Tô Ngọc Vân
thay thế chú Trí. Hình như bác mới ở bên Xiêm về, bác vừa vẽ vừa kể cho tôi nghe
nhiều chuyện bên đó. Đôi khi bác còn cho tôi vài viên kẹo gôm tẩm đường nhưng
kẹo không ngon và nhiều như loại Toffee chú Trí vẫn cho, bởi vậy hồi đó tôi thấy
bác vẽ Lý Toét, Xã Xệ sao khôngđược đẹp bằng chú Trí của
tôi!
Thỉnh thoảng bác Tú Mỡ từ
Láng cỡi bình bịch tới tòa báo thăm anh em, người gầy gầy nhưng tiếng cười rộn
rãđi đến đâu cũng nhộn nhịp tới đó. Thấy bác đến là tôi mừng rơn, vì thường
thường sau khi công việc xong thế nào cả tòa soạn cũng cùng bác sang ăn phở xào
dòn, phở áp chảo của hiệu Phúc Hưng Lâu gần đó, hay ít ra cũng là một chầu bia,
nước ngọt, bánh trái bên hiệu Hạp Ký trước cửa. Dĩ nhiên trong những trường hợp
hy hữu đó bắt buộc tôi phải đi theo hầu papa rồi!
Ngược hẳn với bác Tú Mỡ,
chú Thạch Lam của tôi đi tới đâu cũng yên lặng như một cái bóng, chú thường mặc
áo dài the thâm, dáng người điềm đạm, ánh mắt sâu thăm thẳm. Chú Huy Cận thì
thân với tôi hơn, còn nhớ có lần ởTrung ra chú cho tôi một củ khoai to tướng,
gấp ba bốn lần khoai thường. Tôi thích quá, nhất định không ăn,để dành mãi dưới
gầm giường. Sau đó ít lâu papa với vẻ trang trọng đưa cho tôi tập Lửa Thiêng và
nói chú có tặng tôi một bài thơ trong đó, tôi lật trang giấy rồi lẩm bẩm đánh
vần:
TỰU
TRƯỜNG
Tặng em
Triệu
Một bài thơ chú tặng cho
tôi, ờ, giá chú Huy Cận của tôi cho tôi thêm một củ khoai như hôm nọ có hơn
không?
Sầm Sơn -
Villa des pins
Những ngày tuyệt diệu nhất
trong đời tôi, đó là những ngày nghỉ hè tắm biển ở Sầm Sơn. Kỷ niệm thật êm đẹp,
mỗi lần hồi tưởng còn thấy gờn gợn trong tâm tư một niềm vui rào
rạt.
Buổi sáng hè còn đẫm hơi
sương, tuy ngái ngủ nhưng lòng tôi sao quá rộn ràng trong chuyến đi xa... Chiếc
xe tay ven theo vườn hoa Hàng Đậu, băng ngang qua trại lính tây đường thành vắng
ngắt, mùi hương của hoa sữa thoang thoảngđâu đây. Rồi nhà ga Hàng Cỏ, đường sắt
chi chít, con tàu xình xịch chạy... Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình... Cầu Hàm Rồng
và sau cùng là Thanh Hóa. Lên chiếc xe ca ì ạch tới Sầm Sơn thì trời cũng đã về
chiều.
Villa des Pins là một biệt
thự kiểu xưa ở vào dãy thứ tưtính từ biển trở vào. Bà ngoại tôi mua đã từ lâu
dành cho con cháu ra nghỉ mát. Tới nơi, papa lập ngay một chương trình rõ ràng.
Sáng sớm ra biển tập thể thao, coi kéo lưới rồi nhảy xuống tắm. Ngày nào mưa gió
thìở nhà, khi đó papa sẽ vừa viết văn vừa kèm tôi học. Tối đến tung tăng ở rừng
phi lao hay trên bãi cát, hôm nào nhóm “Lo cho trẻ em đi nghỉ mát” có tổ chức
lửa trại, diễn kịch gần hotel Renaud (?) thì cả nhà lạiđược đi coi giải trí
không mất tiền. Những ngày đẹpđi chơi xa thăm hòn Độc Cước, hòn Trống Mái, hoặc
ven theo rừng phi lao tới tận cửa sông Mã. Thích nhất là những hôm lên vùng “Sầm
Sơn le haut” đường xe lên dốc ngoằn ngoèo, papa mặc quần soọc đi xăng đan xách
theo giỏ bánh mì, cơm nắm, hăng hái tiến trước, tôi thở hổn hển theo sau. Hai
bên là rừng phi lao bát ngát, những biệt thự ẩn hiện đẹp như mơ. Lên hết dốc tới
một vùng quang đãng... hòn Trống Mái với hai phiếnđá đè lên nhau, gần đó bước
lên ít bực thang, đỉnh Belvédère có cái mái tròn xây xi măng, tôi leo lên đóđứng
nhìn bao quát một vùng núi đồi, biển cả. Papa lấy tay chỉ ra khơi... xa tít
ngoài kia là hòn Mê, phảiđi theo mảng đánh cá đi lâu lắm mới tới được. Tôiước gì
được phăng phăng lướt sóng thám hiểm vùng xa xôi ấy, nhưng nay còn bé quá, biết
đến bao giờ mới tới được hòn Mê!
Chơi chán rồi papa dẫn tôi
tới gần một biệt thự cách đó không xa. Ngôi nhà này là của tây xây cất đã lâu mà
hình như không có ai ở, mấy cửa ra vào đóng im ỉm. Chúng tôi ngồi xuống bực thềm
đá hoa mát dịu, lấy cơm nắm ra ăn dưới tàng cây xum xuê, gió lồng lộng thổi. No
nê rồi papa châm thuốc hút lấy giấy ra viết văn, còn tôi thì chạy tung tăng hái
hoa mọc len với cỏrồi tựa lưng vào gốc thông già làm một giấc
dài.
Trênđường về, những hôm nào
viết được nhiều, papa vui vẻ nói chuyện luôn miệng, mua dừa tươi cho tôi uống,
dẫn tôi đi len vào rừng chơi ú tim. Khi xuống tới vùng“Sầm Sơn le bas,” chúng
tôi đi qua những biệt thựquen thuộc: Villa des Flamboyants, villa des Roses,
villa Hương Ký, villa Ngọc Lan... tất cả đều như rộn ràng trong nắng chiều. Về
tới nhà đã mệt nhoài, bữa ăn sửa soạn xong, me tôi sới cơm, dịu dàng lẳng lặng
nhìn hai cha con ăn ngon lành, mỉm nụ cười rạng rỡ.
Tây bắt
papa rồi!
Lần cuối cùng đi nghỉ mát ở
Sầm Sơn, lúc trở về Hà Nội, tôi còn nhớ các đầu đường đã bắt đầu gắn những bảng
nhỏ có mũi tên chỉ “Abri - Hầm trú ẩn.” Không khí như nghiêm trọng hẳn lên, nghe
nói sắp có bỏ bom, ban đêm đèn phòng thủ thụ động chiếu lờ mờ ghê rợn. Dạo này
papa ít khi có mặt ở nhà, tờ Ngày Nay bịkiểm duyệt gắt gao, nhiều cột bỏ trống.
Có lần đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, me lo lắng thì thầm với tôi “Có thằng
mật thám con ạ, nó canh ngoài cửa.”Tôi không hiểu chuyện gì nhưng cảm thấy có
một cái gì ghê gớm lắm sắp xảy tới!
Thếrồi sang hôm đó, khi tôi
còn đang ngủ tôi bỗng choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng khóc của me tôi, chạy sang
phòngăn, thấy me tôi đang gục đầu xuống bàn nức nở “Triệuơi! Tây nó bắt papa
rồi!" Tôi sững sờ và không biết gì hơn là ngơ ngác nhìn me tôi, muốn nói một lời
mà sao chân cứ như chôn chặt xuống đất.
Me tôi tiếp: “Con lên kêu
cô Tú Thái, nói cô tới ngay!”Cô Thái là em ruột của me tôi cũng ở phố Quan Thánh
khúc gần cửa Bắc, cách tòa báo không xa. Tôi không hiểu sao me lại cần gặp cô Tú
trong lúc này. Nhưng khi cô Tú tới trò chuyện một lúc, tôi thấy me tôi không
khóc nữa, hình như cơn đau buồn đã dịu đi phần nào. Tôi cũng đã hiểu vì sao me
tôi lại cần có người thân trong lúc này như vậy.
Ít ngày sau, tôi được theo
me vào thăm papa ở sở Liêm Phóng gần Đấu Xảo. Tôi vác theo một bị đồ ăn tiếp
tếcho papa, me thì mang quần áo. Cửa phòng xịch mở, một ông tây lai đưa papa ra
nói một tràng tiếng tây. Tôi chưa hiểu ất giáp gì thì papa đã kéo mẹ con tôi
ngồi xuống cái băng gần đó dịu dàng nói: “Kệ nó, được phép 15 phút nhưng mình
hơn cũng chẳng sao.” Mặc bộ pi-da-ma mầu xanh đã nhầu nát nhưng dáng điệu không
đến nỗi tiều tụy lắm, papa tóm tắt kể cho biết chuyện từngày bị bắt: - Chú Long
và chú Gia Trí bị trước, tây nó đánh đau lắm, những gì phải khai hai người đã
nói hết papa vào sau cứ theo đó mà khai nên chỉ bị sơ sơthôi. Tôi chợt rùng mình
nghĩ tới cái cảnh đánh đập rùng rợn ở sở mật thám mà tôi vẫn được nghe những
người lớn kể lại.
Chừng ba bốn tháng sau papa
được chuyển lên trại An Trí tại Vụ Bản, vùng Nho Quan, Hòa Bình. Ngày ra đi, tôi
khôngđược đưa tiễn, nhưng nghe me nghẹn ngào kể lại: papa bị mang còng số, còng
tay lúc lên đường.
Lúc này, tòa báo vắng vẻ
lắm, “cậu Hàng Bè” nghe nói đã trốn sang Tàu, chú Thạch Lam mới mất ở nhà cây
liễu Yên Phụ, me rầu rĩ suốt ngày, còn tôi nhìn vào phòng làm việc của papa thấy
trống trơn, trong lòng thấy bùi ngùi làm sao!
Rồi ít lâu sau được phép
của sở Liêm Phóng, tôi cùng me, thím Long và Tường Ánh con trai thím lên Vụ Bản.
Đường từ Nho Quan trở ra thật cheo leo, cảnh hoang sơ mà hùng vĩ, con đường đất
đỏ dài hun hút, đến chiều mới tới nơi. Chúng tôi phải vào trú ngụ một đêm tại
chủng viện, căn nhà do các bà sơ trông nom, hôm sau qua sông mới tới được trại
trên đồi cao.
Papa hồi này da rám nắng,
trông khỏe mạnh. Chúng tôi được phép vào một căn phòng, tự do nói chuyện nửa
ngày trời.Được biết chú Long, chú Trí phải đẩy xe nước và vào rừng lấy củi, papa
may mắn vì yếu đuối được phụviệc ở nhà thương, công việc nhẹ nhàng, me tôi cũng
yên chí phần nào. Papa cũng cho biết cái thằng tây trưởngđồn, người đảo corse,
hồi đầu rất hách dịch, nay dần dần cũng bớt rồi, lâu lâu lại có anh em trẻnghịch
ngợm dám nhạo cả cái giọng nói nặng nề của hắn nữa.
Khi chúng tôi trở về, papa
được phép tiễn đến bến đò. Qua sông nước chảy xiết, giòng sôn mênh mông, tôi
thấy lòng se lại khi thấy hình dáng papa nhỏ dần, nhỏ dần. Trời lúc ấy thật
thấp... thật nặng nề!
Bà nội Cổ
Am mất
Bịan trí một năm, papa được
tha về Hà Nội. Tuy vậy, cứmỗi tháng papa lại phải đem một cuốn sổ bìa xanh (papa
gọi là sổ đoạn trường) lên sở Liêm Phóng đóng dấu kiểm soát.
Tòa báo dạo này ít người
lai vãng, “cậu Hàng Bè” vẫn biệt vô âm tín, chú Long Hoàng Đạo kẹt ở Vụ Bản, Bác
Thế Lữ xoay sang diễn kịch, chú Trí vẫn mải mê với tranh sơn mài trên đường Quần
Ngựa... tờ Ngày Nayđóng cửa đã lâu. Papa thì trầm ngâm ít nói, loay hoay tỉa xén
cây cảnh trên hòn non bộ nhỏ, đặt trong cái chậu sứ men tàu.
Rồi trong một buổi chiều
cuối năm, trong lúc mọi người nhộn nhịp đón giao thừa thì bất chợt nhận được
giây thép báo tin bà nội ở Cổ Am bệnh nặng. Thế là cả nhà sáng mồng một tức tốc
về quê. Gần trưa tàu hỏa tới Hải Dương, chuyển xe ca đi Ninh Giang qua Vĩnh Bảo
về tới làng thì đã xế chiều. Bước vào nhà, chú Trần Tiêu chạy ra mếu máo nói bà
đã nhập quan từ ngày 30. Me òa khóc thảm thiết, papa lặng lẽ tới gần cỗ áo quan,
khẽ rờ tay lên làn gỗ vàng tâm, nói với tôi mà y như nói một
mình:
“Thếlà bà đã nằm đây rồi,
con ạ!”
Vì bà mất vào dịp tết nên
mồng sáu mới phát tang và tới ngoài rằm mới an táng. Trong thời gian này tôi
súng sính trong bộ áo trắng dài tay sột soạt màu hồ đi “thám hiểm” khắp nơi cùng
vài chú em họ trong làng. Bây giờtôi mới được rõ Cổ Am rộng lắm, chia làm bốn
thôn: thôn Thượng, thôn Tràng, thôn Am và thôn Phần là chỗnhà tôi ở. Khắp nơi,
đâu đâu cũng thấy trồng thuốc lào xanh ngắt, nghe nói đến mùa hái thuốc cả làng
nhộn nhịp vui lắm. Tôi còn được sang thăm mộ phần của ông nội tôi ngay sát bên
nhà, xây toàn bằng đá đắp lên nhau như một trái núi nhỏ, bề cao dễ gần bằng căn
nhà hai từng, từ đỉnh trở xuống cây cỏ mọc um tùm chen lẫn những tượng nhỏ hình
quái dị, xuyên vào lòng núi là nơi thờ tự, cảnh trí âm u, trầm hương tỏa ngát:
kế bên mộ phần, một ngôi chùa nhỏ được ông tôi xây cất xưa kia... chùa Đông A
nổi tiếng vì có một vị sưgià nhiều pháp thuật, trụ trì. Tôi còn được biết thêm
ông nội xưa làm tuần phủ Thái Bình có những năm bà tất cả, nên lúc mất đi con
cháu đông đảo lắm. Bà nội tôi là cả sinh được bốn người con, trước hết là bác
Trần Xuân làm Thương tá nhưng chẳng may mất sớm, rồi đến papa, kế đó là chú Trần
Tiêu và cuối cùng là cô Ngọc. Riêng bà thứ năm chỉ sinh được một cô con gái được
ông nội tôi quí nhất cho rất nhiều của cải nhà cửa ở Ninh Giang, Hà Nội. Bà tôi
tuy là cảnhưng lành lắm, không ham thích những nơi quan quyền chỉan nhàn sống
nơi quê làng nên ai cũng mến thương.
Thấm thoát cũng đã gần đến
ngày an táng, trước nhà dựng rạp lớn, cỗ bàn ăn uống linh đình theo tục lệ. Các
chú, các cô ở xa cũng dần dần về đông đủ. Tôi còn nhớ bà Năm cũng từ Ninh Giang
về chịu tang, bà khóc to lắm, có vẻ như rất lấy làm đau sót, làm tôi ngạc nhiên
hỏi papa: “Bà có khóc thật không papa, bà không ưa bà mình cơ mà?” Yên lặng một
lúc papa mới khẽ nói với tôi “Bà khóc thật đó con ạ! Bà mình lúc sống hiền lành
quá có làm hại ai đâu, chắc bây giờ bà Ninh Giang đã thương bà Cổ Am rồi con
ạ!”
Rồiđám tang nhộn nhịp linh
đình diễn ra, cỗ áo quan đượcđưa lên kiệu sơn son thiếp vàng được đưa từ nhà đi
vòng mấy thôn trong làng rồi mới trở về hạ huyệt cạnh mộ ông tôi ngay kề bên
nhà. Sau thời gian này papa còn ở lại Cổ Am vài tuần, lâu lâu sang chùa Đông A
niệm Phật cầu siêu cho bà. tay gõ mõ, nhịp chuông đềuđặn, papa tụng kinh tiếng
trong và ấm, tay lần giởnhững trang kinh Phật bằng chữ Hán, hương trầm tỏa ngát,
không khí dìu dịu hiền hòa.
Biến cố
dồn dập
Tôi trở về Hà Nội và tiếp
tục đi học cho tới ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, súng nổ vang trời, cảnhà
phải chui xuống buồng kho gầm cầu thang để tránhđạn cả đêm. Sáng hôm sau nhìn ra
ngoài hai ba xác chết nằm bên kia đường ngay trước hiệu Hạp Ký, ghê quá! Rồi
truyền đơn của Nhật trải xuống Hà Nội... Việt Nam độc lập... Toàn quyền Đại Nhật
Bản thay toàn quyền Đờ-cu... người ta bắt đầu chết đói như rạ.Khẩu phần ăn nhà
tôi bị hạn chế, cơm bữa nào cũng hôi sặc sụa mùi bao tải, lại còn phải dành một
phầnđưa cho đoàn khất thực cứu đói. Có lần đi qua chợ Đồng Xuân, papa mua cho
tôi một bắp ngô nướng nóng hổi,đang lấy tay lăn lăn sửa soạn ăn, thì một bàn tay
gầy guộc giật mạnh lấy, ức quá tôi định chạy theo nhưng papa giữ lại, lắc đầu
buồn rầu nói: “Thôi con, người ta đói quá, khổ quá rồi!” Hằn học, tôi đi theo
papa, từ đó cho tới lúc về nhà, tôi không thấy ông cụ nói thêm một lời nào
nữa.
Dạoấy papa cũng rất bận
rộn, hết lo cho tờ Bình Minh lại tới tờ Ngày Nay kỷ nguyên mới. Tuy vậy những
ngày yênổn vì khỏi lo mật thám Tây bắt bớ không kéo dài được lâu. Một hôm đi học
về... nhà thấy vắng vẻ quá, me dáng điệu bí mật kéo tôi lại gần nói nhỏ “Papa
lánh mặt rồi, ai có hỏi nói về quê ít ngày.” Chúng tôi sống trong hồi hộp... rồi
vào một buổi sáng Hiến binh Nhật ùa tới khám xét tòa báo, bao nhiêu sách trong
nhà kho bị lục tung nhưng hình như không kiếm được gì khảnghi, chúng bỏ đi... Hú
hồn!
Rồi Nhật đầu hàng, Việt
Minh cướp chính quyền, Quốc dânđảng đóng ở tòa báo, tờ Việt Nam ra đời, Việt
Quốc, Việt Cách chống Việt Minh, Pháp lăm le trở lại, chính phủ liên hiệp thành
lập. Lúc này papa phải lo viết cho tờ Việt Nam, tờ Chính Nghĩavà
lâu lâu luôn cả tờ Thiết Thựcnữa.
Tiếpđó Hiệp định sơ bộ 6-3
ra đời, Pháp đổ bộ Hải Phòng... Hội nghị Đà Lạt tan vỡ. “Cậu Hàng Bè” từchức bộ
trưởng rồi sang Tàu lần nữa... Các trụ sởViệt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công
an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác
Hể, bác Đóa, Trí, Dị... bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Namđình bản... Tòa
báo ngoài papa chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng, Kính, anh Cống,
bác Thắng...
Rồi tình hình giữa Việt và
Pháp ngày càng căng thẳng, tựvệ thành xung đột với lính Pháp, hầm hố đào khắp
nơi, dân chúng lũ lượt tản cư. Bất chợt một buổi sáng, Pháp tung quân tảo thanh
Hàng Bún, xông vào tòa báo, bắt hết mọi người ra sân lục soát. Sau đó, với
dángđiệu đằng đằng sát khí chúng áp giải, kẻ thì đi bộ, người bị lùa lên xe GMC
chạy thẳng vào thành, giam trong những sà lim hôi hám. Súng nổ cả đêm, tôi
bịgiam chung với một số anh em thợ nhà in và lẫn lộn cảvới mấy ông bà già cư ngụ
cùng phố. Hoang mang không biết số phận papa, me và các bác, các chú trong tòa
soạn ra sao!
Sáng hôm sau may nhờ ủy ban
Liêm Kiểm can thiệp mọi ngườiđược tha. Gặp lại papa, me mừng quá sức, hàn huyên
đủchuyện. Thấy tình thế không thể ở lại Hà Nội, papa quyết định tản cư về quê
ngoại. Ngay chiều hôm sau chúng tôi xuống phà đen lên tàu thủy xuôi Nam Định.
Hômấy là ngày 19-12-1946.
Papa bị
Việt Minh bắt
Tàu chạy được ít lâu thì
thấy rực lửa phía Hà Nội, mọi người xôn xao bàn tán, chắc là đánh nhau to rồi!
Mờsáng hôm sau tàu giạt vào bờ bến Mễ vì sợ tàu bay bắn phá. Chúng tôi phải tạm
ngụ ở làng ven sông rồi sau thuê xe tay đi về quê.
Hai ngày sau mới về tới
Dịch Diệp, quê me tôi, cách tỉnh lỵ Nam Định chừng 20 cây số, một làng rất trù
phú, nhà gạch san sát, tiếng khung cửa dệt khăn mặt lách cách khắp nơi. Sắc mặt
papa có vẻ vui hơn, không cònđăm chiêu như mấy ngày ở Hà Nội nữa. Thoát được
thằng Tây là đỡ rồi, từ nay cũng tạm yên.
Vài hôm sau, một chiều hai
thanh niên mặt lạ tới “mời”papa lên huyện. Cả nhà thất sắc nhưng papa chỉ vào
cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn
gắn ở ve áo, bình tĩnh nói“Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây
giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy
bạ!”
Bẵng đi vài ngày không thấy
tăm hơi gì, me tôi cho người đi dò la tin tức trên huyện Trực Ninh thì được biết
papađã bị giam và sắp bị giải đi nơi khác. Tôi cùng một người nhà vội lên Cổ Lễ
rồi đi dọc theo đường cái tới huyện. May mắn thay trên đường đi lại gặp mộtđám
người lẫn lộn trong đó hình như có papa. Anh người nhà kêu
lớn:
“Ông
Tú!”
Đúng papa tôi rồi, tôi chạy
vội lên:
“Papa, con
đây!”
Khuôn mặt võ vàng, mắt như
sâu lại dưới gò má, tôi để ý, trên ve áo cái phù hiệu của Trần Huy Liệu tặng
ngày nào không còn nữa!
Papa dừng chân lại: “Triệu,
con về đi. Me con cuốc đất trồng rau sống qua ngày. Papa đi lần này không biết
ra sao!”
Tôi run lẩy bẩy nắm lấy
cánh tay gầy guộc của papa, nhưng một thanh niên, ý chừng là công an sẵng giọng:
“Đi ngay, đường còn xa!”... Tôi lặng người nhìn theo bóng papa xa dần rồi khuất
hẳn sau những ụ đất phá hoại trên đường liên tỉnh.
Trởvề nhà báo tin, cả nhà
bồn chồn lo lắng. Tình hình chiến sự lan rộng, tàu chiến Pháp đi dọc theo sông
Hồng bắn phá làng mạc hai bên bờ đê, tàu bay bà già vần vũlâu lâu lại tuôn ra
một loạt đạn vu vơ. Trong thời gian này, me cho người đi dò la khắp nơi tìm tin
tức papa, lại viết rất nhiều đơn lên ủy ban Hành kháng tỉnh để xin cứu xét.
Nhưng tất cả đều như chìm sâu trong sương mù vô vọng.
Rồi tết Đinh Hợi qua đi
trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông
Hồng bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt, papa trở về.
Một công an mang phù hiệu “Công an Thành Nam Định” hẳn hoi đi kèm. Trong lúc chờ
nhà sửa soạn bữa cơm papa cho biết: “Bị bắt lên Trực Ninh, sau giải sang Lạc
Quần, bị giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báođộng oanh tạc chúng chạy hết còn tù thì
xích chân lại cho ở trong đồn, cố ý mượn tay thằng Tây giết mình. Có lần tàu bay
bắn phá may mà không sao. Hôm nay có lệnh giải đi nơi khác vì vùng này mất an
ninh, nhưng không biết đi đâu.” Rồi papa hạ giọng: “Hôm trước nó hỏi về thằng
Triệu con anh Tam, tôi có khai là nuôi nó từ bé, nó không biết anh Tam là ai
cả.”
Trong lúc papa ngồi ăn vội
vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ lừ nhìn mọi người. Thấy me khóc nức
nởhắn đến gần nói mấy câu: “Cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách chính phủ bao
giờ cũng đại đoàn kếtđể kháng Pháp.”
Ăn xong lên đường, tên Công
An còn ngoảnh lại nói như máy:
“Đến nơi sẽ có tin về nhà
ngay, không sao cả, cứ yên tâm!”
Khi papa ra đã tới gần đầu
ngõ, me tôi chợt nhớ vội gói mấy quả cam đường vào tờ kinh cứu khổ rồi bảo
tôi:
“Con chạy theo đưa papa mau
lên, nói papa nhớ tụng kinh luôn, lạy trời phật cho tai qua nạn
khỏi.”
Tôi chạy theo đưa papa nói
vội:
“Camđường papa nhớ ăn, kinh
cứu khổ papa nhớ tụng!”
Tôiđi theo đến đầu làng,
dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo
sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi vềphía sông Hồng xa
lắc đằng kia.
Tôi bàng hoàng trở về nhà,
miệng còn lẩm bẩm: “Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng
kinh cứu khổ không?”
...
Từcái ngày đó về sau, tôi
không còn được gặp lại “papa tòa báo”
nữa.
1 comment:
hay lắm ạ mua tinh dầu bưởi 100ml giá rẻ ở đâu
Post a Comment